S.N. Goenka

(1924 – 2013)

Sự cải biến duy nhất trong thiền Vipassana là cải biến từ khổ đau thành hạnh phúc, từ vòng lệ thuộc thành sự giải thoát. – S. N. Goenka

Thiền sư Satya Narayan Goenka (1924-2013) là Thiền sư chính dạy thiền Vipassana – một phương pháp hội tụ những nét tinh túy thực tiễn nhất trong giáo huấn của Đức Phật. Là một nhà công nghiệp hàng đầu ở Miến Điện sau Thế chiến thứ hai, Goenkaji (cách gọi trìu mến mà những người sống bên ngoài nước Ấn Độ dành cho ông) là bằng chứng sống cho thấy việc rèn luyện tâm qua việc thực hành thiền là điều cần thiết cho một cuộc sống lành mạnh và có ích. Được biết đến bởi đức khiêm tốn, lòng từ bi bao la và sự điềm tĩnh không chút tạp niệm, sự nhấn mạnh của thiền sư Goenka vào nỗ lực bản thân, tính phi tôn giáo, và bản chất hướng đến kết quả của thiền Vipassana đã hấp dẫn sự chú ý của thế giới nơi nhiều người đang tìm kiếm một con đường thực tế để thoát khỏi sự căng thẳng và khổ đau.

S.N. Goenka

Được xem là một người hướng dẫn giáo huấn mang đậm tính khoa học của Đức Phật mà ngày càng được nhiều người công nhận khắp nơi trên thế giới, thiền sư Goenka đã được mời đến diễn thuyết tại nhiều tổ chức khác nhau, như Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Nghị viện quốc hội Ấn Độ, Câu lạc bộ Kinh doanh của Đại học Harvard, Đại học Tăng già Pháp Cổ Sơn (của Thiền sư Sheng Yen) tại Đài Loan, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Điển, Viện Smithsonian, Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Hiệp hội Chuyên gia Ấn Độ tại Thung lũng Silicon.

Thiền sư Goenka thành công trong việc giảng dạy phương pháp thiền này vì chính bản thân ông là một tấm gương truyền cảm hứng, là một lý tưởng, và ông thực hiện chính những điều ông yêu cầu các thiền sinh của mình thực hành. “Hãy phát triển sự thanh tịnh ngay trong bản thân quý vị nếu quý vị muốn khuyến khích người khác đi theo con đường thanh tịnh,” – ông đã nói như vậy trong một cuộc họp hàng năm tại trung tâm thiền Dhamma Giri (Igatpuri) vào ngày mồng 1 tháng 3 năm 1989 – “Hãy khám phá sự bình yên và hòa hợp thực sự trong chính bản thân mình, rồi theo một cách tự nhiên những điều ấy sẽ lan toả và có ảnh hưởng tốt đẹp đến người khác”.

Thiền sư Goenka là một người làm việc không biết mệt mỏi. Năm 2002, ở tuổi 78, ông đã thực hiện một chuyến đi phi thường đến các nước phương Tây để giới thiệu và trao đổi về Dhamma. Cùng vợ là bà Illaichidevi Goenka, một số thiền sư cấp cao và các thiền sinh, thiền sư Goenka đã đi trong 128 ngày qua các nước châu Âu và Bắc Mỹ, hoan hỉ chia sẻ món quà Vipassana vô giá. Phần thứ hai của chuyến đi là một cuộc hành trình đường bộ kéo dài 20.921 km bằng đoàn xe lưu động xuyên suốt Mỹ và Canada.

Vào ngày thứ 62 của hành trình Dhamma này – ngày 10 tháng 6 năm 2002 – thiền sư Goenka nói với đám đông tập trung tại đại học Sonoma State, Santa Rosa, California: “Trong suốt cuộc đời, mỗi người đều sẽ gặp phải nhiều điều mình không thích, và phải rời xa điều mà mình yêu thích. Đức Phật đi vào tận gốc rễ của vấn đề này và tìm ra giải pháp (là thiền Vipassana) giúp ta thoát khỏi mọi khổ đau. Đức Phật nhận ra chúng ta luôn phản ứng lại với những cảm giác dễ chịu hay khó chịu mà chúng ta cảm thấy trên thân bằng tâm ham muốn hoặc tâm ghét bỏ. Do những bất tịnh tinh thần hay các khuôn mẫu thói quen này, chúng ta luôn ở trong tình trạng dễ bị kích động và đau khổ.

Với phương pháp thiền Vipassana, thiền sư Goenka đã tìm ra con đường thoát khỏi những phiền não mà ông đã trải qua khi còn trẻ. Sinh ra tại Mandalay, Miến Điện, trong một gia đình doanh nhân gốc Ấn Độ, ông đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo kinh doanh hàng đầu tại Miến Điện với các văn phòng đại diện tại nhiều nước. Ở tuổi 30, ông đã được bầu làm chủ tịch Phòng Thương mại Yangon (trước đây là Rangoon), và đứng đầu nhiều tổ chức xã hội, giáo dục và văn hóa khác nhau.

Thiền sư Goenka thời đó đã đạt được những thành công vượt bậc nhưng không có được sự an lạc bên trong. Ngược lại, sự căng thẳng đã gây ra chứng đau đầu migraine mãn tính mà các bác sĩ hàng đầu thế giới không có cách nào để chữa trị ngoại trừ những loại thuốc gây nghiện và làm suy nhược cơ thể. Ngoài ra, Goenka còn cho biết ông đã từng là một người rất nóng tính, ích kỷ, và điều đó đã khiến cho bản thân ông và những người xung quanh đều khổ sở.

Chính tại thời điểm đó, vào thời hậu chiến của Miến Điện thiền sư Goenka được gặp và nhận được nguồn cảm hứng từ một người có nhân cách đặc biệt – Ngài Sayagyi U Ba Khin, Bộ trưởng bộ Kế toán đầu tiên của nước Miến Điện độc lập. Ngài U Ba Khin cũng giảng dạy thiền Vipassana và cố gắng truyền bá phương pháp này trong quần chúng.

Mặc dù thiền Vipassana vốn xuất phát từ giáo lý thực sự của Đức Phật nhưng thiền sư Goenka nhấn mạnh rằng phương pháp này không phải là một tôn giáo, không liên quan đến bất kỳ giáo điều, nghi lễ, nghi thức hay sự cải đạo nào. Ngài đã nói với đám đông vỗ tay tán thưởng tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Thế giới của Liên hiệp quốc, tổ chức tại New York năm 2000 như sau: “Sự cải biến duy nhất trong thiền Vipassana là cải biến từ khổ đau thành hạnh phúc, từ vòng lệ thuộc thành sự giải thoát”.

Hàng ngàn cha xứ Công Giáo, tăng ni Phật giáo, người tu dòng Kỳ na giáo và đạo Hindu đã đến tham gia các khóa thiền Vipassana cùng những người lãnh tụ tôn giáo khác. Vipassana là tinh hoa mang tính thực tế của tất cả các tôn giáo, có mục đích giúp con người phát triển trí tuệ thực chứng để sống một cuộc sống hạnh phúc và hiệu quả. Theo lời ngài U Ba Khin thì thiền Vipassana đem đến các kết quả “tốt, cụ thể, rõ ràng, mang tính cá nhân, và ngay tức thời”.

Vào năm 1969, Ngài U Ba Khin đã chính thức cho phép thiền sư Goenka đến Ấn Độ và truyền dạy thiền Vipassana như một đại diện của mình. Kể từ đó, dòng sông Hằng của Dhama một lần nữa bắt đầu tuôn chảy ở mảnh đất nơi nó sinh ra. Từ Ấn Độ, thiền Vipassana bắt đầu lan truyền ra khắp thế giới, trong đó có Mỹ, Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nga, Châu Mỹ Latin, các quốc gia Đông Âu và hiện tại có thêm Châu Phi.

Từ năm 1989, thiền sư Goenka và vợ đã tổ chức các khóa thiền Vipassana. Bà Goenka, được biết dưới cái tên trìu mến là “Mataji” (nghĩa là “người mẹ đáng kính”) cũng là một Thiền sư chính và là một học trò xuất sắc của Ngài Sayagyi U Ba Khin. Bà thầm lặng hỗ trợ và phục vụ vô vị lợi cùng chồng trong sứ mệnh mà người thầy đáng kính của họ, Sayagyi U Ba Khin, đã giao phó, đó là làm sao để phục vụ ngày càng nhiều người hơn để họ được lợi lạc trên con đường giải thoát nhờ thực hành thiền Vipassana.

Sau khi trở về Ấn Độ, thiền sư Goenka sớm từ bỏ công việc kinh doanh đang phát đạt của mình và cống hiến toàn bộ thời gian cho việc truyền dạy thiền Vipassana. Ngoài việc là một gia trưởng hiền lành trong một đại gia đình gồm sáu con trai và các cháu, ông còn là một người dẫn dắt nhân từ của một tổ chức ngày càng lớn mạnh, có tính chủ quyền địa phương và kỷ luật cao.

Để đáp ứng nhu cầu học thiền ngày càng cao, hiện có hơn 800 thiền sư phụ tá đang thay mặt thiền sư Goenka hướng dẫn các khóa thiền, sử dụng các băng ghi âm và ghi hình các lời hướng dẫn, với sự hỗ trợ của hàng ngàn tình nguyện viên. Các khóa thiền không thu bất kỳ khoản lệ phí nào. Cả thiền sư Goenka lẫn các thiền sư phụ tá đều không nhận bất kỳ khoản tiền tài hay vật chất nào từ những khóa thiền.

Thiền sư Goenka nói rõ thêm trong một buổi nói chuyện tại trung tâm Dhamma Nasika, thành phố Nashik, gần Igatpuri, Ấn Độ vào ngày 3 tháng 5 năm 2005: “Dhamma là vô giá. Ngay sau khi người ta thu một khoản lệ phí cho khóa thiền thì Dhamma sẽ trở thành Dhamma của người giàu. Những người có tiền sẽ gắng đạt được sự an lạc bằng cách trả mức giá cao nhất. Nhưng họ không thể có được an lạc, vì khi Dhamma trở thành một món hàng thương mại thì nó sẽ không bao giờ có thể đem đến sự an lạc. Bây giờ cũng như sau này, chúng ta cần tránh sai lầm là biến một trung tâm thiền Vipassana thành một tổ chức thương mại”.

Là một nhà văn, nhà thơ luôn miệt mài sáng tác, thiền sư Goenka có thể viết bằng tiếng Anh, tiếng Ấn và tiếng Rajasthani. Ông trích dẫn lời của Đức Phật: “Những người có tinh thần tri ân mạnh mẽ, muốn phục vụ người khác mà không mong đợi điều gì cả, là những người thật sự rất hiếm.” Với hơn 50 năm tận tụy phục vụ Dhamma, thiền sư Goenka đã thuộc vào nhóm người rất hiếm này.

Last updated